‘Cơn khát’ kim loại đồng đằng sau đề xuất thâu tóm trị giá 39 tỉ đô la

‘Cơn khát’ kim loại đồng đằng sau đề xuất thâu tóm trị giá 39 tỉ đô la

Giá đồng tăng lên 10.000 đô la/tấn, mức cao nhất trong 2 năm, chỉ vài ngày sau khi Tập đoàn BHP (Úc), nhà khai khoáng lớn nhất thế giới, ngã giá mua đối thủ Anglo American (Anh) với giá 39 tỉ đô la Mỹ. Thương vụ này làm nổi bật sự mất kết nối đáng chú ý ở một lĩnh vực trung tâm của ngành khai khoáng: các công ty không thể phát triển các mỏ đồng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu đồng sử dụng cho các công nghệ xanh như xe điện, năng lưới tái tạo, được dự báo tăng mạnh trong những năm tới.

Các nhà sản xuất đồng lớn nhất trên thế giới đều muốn tăng sản lượng để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng ở các ngành xe điện, hạ tầng lưới điện và trung tâm dữ liệu. Hôm 25-4, BHP đưa ra đề xuất trị giá 39 tỉ đô la để thâu tóm Anglo American chủ yếu vì nhà khai khoáng lớn nhất thế giới này muốn nhắm đến các mỏ đồng của đối thủ.

Anglo American ngay lập khước từ với lý do đề xuất này định giá công ty ở mức quá thấp. BHP có thời hạn đến ngày 22-5 để đưa ra lời đề nghị chính thức và có thể đề xuất giá mua ở mức cao hơn.

BHP là nhà sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới, trong khi Anglo American là nhà sản xuất đồng lớn thứ 9.  Nếu thương vụ thành công, BHP sẽ  trở thành nhà sản xuất đồng lớn nhất với khoảng 10% thị phần toàn cầu, nhưng sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào cho nguồn cung đồng của thế giới.

Cho đến nay, sự lạc quan trong ngành về triển vọng nhu cầu đồng vẫn chưa chuyển thành các khoản đầu tư lớn để phát triển các mỏ mới cũng như hạ tầng liên quan.

Theo CRU Group, sản lượng từ các mỏ đồng hiện tại trên thế giới sẽ giảm mạnh trong những năm tới và các công ty khai khoáng sẽ cần chi hơn 150 tỉ đô la trong giai đoạn 2025-2032 để phát triển các mỏ đồng mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

“Đồng dường như như là rủi ro nguồn cung cuối cùng còn sót lại đối với ngành xe điện. Để thế giới đạt mục tiêu đưa lượng phát thải ròng carbon về mức zero (Net-Zero), chúng ta sẽ cần một lượng đồng lớn và một chiến lược khác để tăng nguồn cung kim loại này”, Bernard Dahdah, nhà phân tích hàng hóa cao cấp của ngân hàng Natixis, bình luận.

William Tankard, nhà phân tích kim loại cơ bản của CRU Group, gọi đồng là “hàng hóa của tương lai”.

“Cho dù chúng ta nói về xe điện hay trung tâm dữ liệu hay điện hóa nói chung, tất cả đều có chủ đề chung là đồng”, ông nói.

Các lo ngại về nguồn cung trong tương lai là động lực thúc đẩy giá đồng tăng 16% trong năm nay. Không giống như thời điểm tháng 3-2022 khi giá đồng tương lai trên Sàn giao dịch kim loại London đạt mức cao kỷ lục 10.845 đô la/tấn, nhu cầu đồng hiện nay tương đối trầm lắng và thị trường đồng vật chất được cung cấp đầy đủ.

Đợt tăng giá đồng lần nay được thúc đẩy bởi các nhà đầu cơ đang đặt cược vào tình trạng thiếu hụt đồng sắp xảy ra và dự báo, các công ty khai khoáng chưa sẵn sàng đầu tư để phát triển các mỏ mới, thay vào đó, họ ưu tiên phương án thâu tóm các đối thủ.

Nhu cầu đồng của ngành xe điện và năng lượng tái tạo dự kiến tăng mạnh trong những năm tới
Nhu cầu đồng của ngành xe điện và năng lượng tái tạo dự kiến tăng mạnh trong những năm tới

Những lý do đằng sau tình trạng thiếu đầu tư để phát triển các mỏ đồng không phải là mới, nhưng đang trở nên trầm trọng hơn. Các trữ lượng đồng chất lượng cao ngày càng khó tìm và nguồn vốn tài trợ cho các công ty khai khoáng nhỏ đang khan hiếm. Bên cạnh đó, làn sóng phản đối của xã hội và các tổ chức bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai mỏ ngày càng gay gắt.

Phát biểu tại Cesco Week, hội thường niên của ngành công nghiệp đồng hồi giữa tháng nay ở Chile, Laura Whitton, người đứng đầu chiến lược đồng và kali của BHP, đã giải thích vì sao hoạt động khai thác đồng trở nên khó khăn hơn và đắt đỏ hơn.

Bà nói, thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các mỏ đồng lâu đời với chất lượng quặng thấp hơn so với trước đây.  “Về phía nguồn cung, đây là một thách thức thực sự”, bà nhấn mạnh

Trong khi thị trường đồng hiện được cung cấp tương đối tốt, các nhà phân tích ở các ngân hàng đầu tư và quỹ phòng hộ tin rằng,  nhu cầu đồng có thể tăng lên mức lớn chưa từng có trong vài năm tới khi thị trường đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng. .

Một thách thức lớn hiện nay là các mỏ đồng mới cần mất nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm để xin giấy phép,  phát triển và đi vào hoạt động . Do đó, quyết định phát triển các mỏ đồng mới cần được tính toán thận trọng dựa trên việc liệu giá đồng trong tương lai xa có phù hợp với số vốn đầu tư hay không.

Theo Olivia Markham, người đồng quản lý Quỹ World Mining Fund của BlackRock, các công ty khai khoáng sẽ cần giá đồng ở mức 12.000 đô la/tấn để chi tiêu cho các mỏ mới. Thậm chí, ngay cả ở mức giá này, nhà đầu tư cũng có thể ngần ngại rót vốn vào các mỏ đồng mới.

“Các dự án mỏ đồng đang có sẵn nhưng điều đang thiếu là tiền đầu tư. Lần trước khi giá đồng ở mức 10.000 đô la/tấn, các công ty khai khoáng đã không tăng chi tiêu đầu tư, thay vào đó, tăng chia cổ tức”, nhà phân tích Bernard Dahdah nói.

Những diễn biến trong những thập niên qua cho thấy Trung Quốc là động lực chính cho dòng tiền đầu tư vào các mỏ đồng mới. Theo hãng tư vấn quản lý McKinsey & Co, các công ty khai khoáng của Trung Quốc đóng góp khoảng 40% mức tăng ròng về nguồn cung đồng trong thập niên qua, nhưng tỷ lệ này có thể giảm xuống còn 16% trong 5 năm tới.

Đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào các tài sản khai khoáng ở nước ngoài đã làm đảo lộn thị trường các kim loại pin quan trọng như nickel, lithium và cobalt, đẩy 3 mặt hàng này vào tình trạng dư thừa. Đồng cũng là thành phần quan trọng trong pin và động cơ xe điện, nhưng thị trường toàn cầu quá lớn nên Trung Quốc sẽ không thể tự giải quyết thách thức về nguồn cung đồng.

 Theo Bloomberg, WSJ, CNN

Phone Icon Facebook Icon Zalo Icon