Giá đồng mở cửa phiên sáng nay với đà suy yếu nhẹ sau khi ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp. Thị trường sẽ tập trung vào việc xem xét gói trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga, dự kiến sẽ được nêu chi tiết trong ngày hôm nay.
Đà tăng của giá một số kim loại như đồng, nhôm, nickel trong các phiên gần đây đều xuất phát từ tâm lý cho rằng Mỹ sẽ áp đặt lệnh cấm đối với các mặt hàng kim loại trên từ Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, tác động có thể sẽ hạn chế đối với đồng.
Nga là nước xuất khẩu đồng lớn thứ 6 trên thế giới, trong khi Mỹ là quốc gia xuất khẩu đồng lớn thứ 5 thế giới. Nhu cầu đồng của Mỹ không bị phụ thuộc vào Nga, và thị trường chủ yếu của Nga là Trung Quốc (với trên 50% thị phần), nên tác động của lệnh cấm sẽ ở mức hạn chế. Mặc dù vậy, một số quốc gia đồng minh như các công ty tại châu Âu có thể sẽ thận trọng trong việc hợp tác với các công ty sản xuất đồng từ Nga. Điển hình như Đức (với khoảng 20% thị phần). Điều này về cơ bản sẽ hỗ trợ nhẹ cho giá đồng, nhưng nhìn chung tác động sẽ không quá đáng kể trong ngắn hạn.
Về dài hạn, cân đối cung cầu sẽ vẫn chi phối xu hướng giá đồng. Ngân hàng Goldman cho biết dự kiến nguồn cung đồng sẽ tăng 3% vào năm 2024, so với ước tính trước đó là tăng trưởng 5%. Ngân hàng này hiện dự báo thị trường đồng tinh chế sẽ thâm hụt 534.000 tấn trong năm tới (so với thâm hụt 155.000 tấn trước đó), điều này thể hiện sự thắt chặt đáng kể từ một thị trường gần cân bằng sang một thị trường hiện đang thâm hụt rõ ràng. Nên so với năm 2023, xu hướng giá có thể phục hồi tốt hơn.