Trong tuần giao dịch 10-16/6, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá, trong đó nhiều mặt hàng ghi nhận mức biến động mạnh. Nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đặc biệt thu hút sự chú ý.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm ưu thế ở nhiều mặt hàng quan trọng, đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt tuần tăng 0,7% lên mức 2.295 điểm.
Giá bông giảm mạnh, giá cà phê hạ nhiệt
Chốt tuần giao dịch 10-16/6, giá bông giảm mạnh gần 4% xuống mức 1.564,62 USD/tấn, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022, sau 3 tuần giảm liên tiếp. Đồng USD mạnh lên, khiến giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, từ đó gây sức ép lên giá.
Chỉ số Dollar Index tăng 0,63% trong tuần qua khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ quyết định giữ nguyên mức lãi suất trong kỳ họp tháng 6 và dự tính chỉ có 1 đợt giảm lãi suất trong năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD mạnh lên và giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí nắm giữ cao hơn khiến lực mua trở nên yếu thế.
Tại thị trường cà phê, sau 4 tuần tăng liên tiếp, giá cà phê Robusta đã đảo chiều giảm gần 3% trong tuần qua về mức 4.009 USD/tấn. Cùng với đó, giá cà phê Arabica cũng điều chỉnh giảm 0,22%, từ vùng đỉnh lịch sử xuống còn 4.947,17 USD/tấn.
Đồng Real của Brazil mất giá một cách tương đối so với đồng USD đẩy tỷ giá USD/BRL lên mức cao nhất 18 tháng. Chênh lệch tỷ giá tăng lên, thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil do thu về nhiều ngoài tệ hơn. Điều này góp phần tiếp tục củng cố nguồn cung cà phê trên thị trường.
Trước đó, Brazil đã đẩy mạnh xuất khẩu cà phê nhờ nguồn cung sẵn có và nhu cầu lớn từ các nước nhập khẩu. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê (CECAFE), trong tháng 5, quốc gia Nam Mỹ này xuất đi 4,03 triệu bao cà phê dạng hạt (tương đương 243.600 tấn), tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê Robusta dạng hạt xác lập mức kỷ lục tháng với 868.270 bao (tương đương 52.096,2 tấn), gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 của Brazil dự kiến sẽ mở rộng nhờ chu kỳ 2 năm được mùa một lần. Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) nâng dự báo sản lượng cà phê năm 2024 của Brazil lên 61,4 triệu bao loại 60 kg (tương đương 3,684 triệu tấn), tăng 1,9% so với dự báo tháng trước và cao hơn 7,7% so với năm 2023.
Giá dầu nối dài đà hồi phục sau khi chạm mức đáy 4 tháng
Kết thúc tuần vừa qua, giá dầu thế giới phục hồi từ mức đáy 4 tháng, sau một loạt các báo cáo tháng tích cực từ các tổ chức lớn, bên cạnh áp lực vĩ mô giảm bớt. Chốt tuần, giá dầu thô WTI tăng 3,87% lên 78,45 USD/thùng, tương tự giá dầu thô Brent tăng 3,77% lên 82,62 USD/thùng.
Trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 6, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 lên 1,10 triệu thùng/ngày so với ước tính trước là 900.000 thùng/ngày, trong khi giảm dự báo sản lượng dầu thế giới thêm 200.00 thùng/ngày sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện tới quý III. Theo đó, EIA dự báo thị trường sẽ thâm hụt 320.000 thùng/ngày trong năm nay thay vì tương đối cân bằng như ước tính trước đó.
Tương tự, OPEC trong báo cáo thị trường dầu thô tháng 6 của mình cũng đã giữ nguyên quan điểm tích cực đối với tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay với mức trung bình 2,2 triệu thùng/ngày. Cả hai báo cáo tháng của EIA và OPEC đều đã thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Giá dầu cũng được hỗ trợ do xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn chưa cho thấy tiếng nói chung. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ Tư cho biết rằng nhóm chiến binh Palestine Hamas đã đề xuất nhiều thay đổi, trong đó có một số không thể thực hiện được đối với đề xuất do Mỹ hậu thuẫn về lệnh ngừng bắn với Israel ở Gaza. Trong khi đó, lực lượng Houthi tiếp tục hướng các cuộc tấn công vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ.
Đối với yếu tố vĩ mô, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết sẽ chỉ có 1 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay thay vì như 3 lần như trước đó, tuy nhiên việc Fed xác nhận việc hạ lãi suất đã giảm phần nào áp lực lên thị trường. Điều này cũng được củng cố khi CPI tháng 5 của Mỹ hạ nhiệt khi chỉ ghi nhận mức tăng 3,3% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo.
Ở diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm 1,27% khi EIA điều chỉnh tăng số liệu tồn kho của Mỹ, bất chấp báo cáo thường niên của Hội đồng Điện Bắc Mỹ nhấn mạnh nguy cơ thiếu năng lượng tăng cao ở một số bang tại nước này do nhiệt độ nóng hơn trong mùa hè. Cụ thể, tồn kho khí tự nhiên của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 7/6 tăng 74 tỷ feet khối, trong khi đó EIA đã bất ngờ tăng ước tính tổng mức tồn kho 1 tuần trước đó thêm 7 tỷ feet khối.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Viêt Nam (MXV)