Luật sư Võ Văn Tuyển, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp góp ý đơn giản hóa một số thủ tục hành chính tại dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Công tác cải cách TTHC đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho xã hội.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, ngày 20/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC, trong đó tập trung vào việc cải cách, cắt giảm TTHC ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Căn cứ các quy định của pháp luật, chủ trương của Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin tham góp ý kiến về một số TTHC quy định tại dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa để góp phần bảo đảm các TTHC đó là không trái với các luật (Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ban hành VBQPPL) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-BTP …), bảo đảm tính hợp lý và chi phí tuân thủ thấp.
1. Về thủ tục thẩm tra, thẩm định việc thành lập Sở Giao dịch hàng hóa (Điều 15 và Điều 16):
Điều 15 và Điều 16 dự thảo Nghị định quy định cả thủ tục thẩm tra và thủ tục thẩm định trước khi cấp giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa.
Theo đó, Bộ Công Thương có quyền đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hồ sơ đề nghị thành lập Sở Giao dịch hàng hóa cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm tra, thẩm định.
Quy định này là chưa phù hợp với chủ trương cải cách TTHC của Đảng, Nhà nước và trái với tiêu chí về sự cần thiết và tính hợp lý của TTHC quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP.
2. Về thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa (Điều 20):
Quy định về thành phần hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa gồm 03 tài liệu tại khoản 2 Điều 20 là hợp lý.
Tuy nhiên, “Các tài liệu chứng minh việc đề nghị sửa đổi, bổ sung” quy định tại điểm c khoản 2 này là chưa cụ thể, rõ ràng do không thể xác định được đó là những tài liệu nào. Quy định này vi phạm yêu cầu về tính cụ thể, rõ ràng của các thành phần hồ sơ của một TTHC được quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC.
Do vậy, đề nghị thay thế bằng quy định sau: “Bản thuyết minh về sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa” để bảo đảm sự rõ ràng, cụ thể của hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập, giúp doanh nghiệp dễ thực hiện.
3. Về thủ tục cấp lại giấy phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa (Điều 22):
Quy định về cấp lại Giấy phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa là cần thiết. Tuy nhiên, thời hạn xem xét cấp giấy phép nên rút xuống còn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, vì việc cấp lại giấy phép do bị mất, bị rách, tiêu hủy không đòi hỏi nhiều thời gian.
4. Về phê chuẩn Điều lệ hoạt động sửa đổi, bổ sung của Sở giao dịch hàng hóa (Điều 26):
Điều 26 quy định 3 loại tài liệu trong hồ sơ đề nghị phê chuẩn Điều lệ sửa đổi, bổ sung là phủ hợp.
Tuy nhiên, thời hạn 30 ngày để xem xét, quyết định có phê chuẩn Điều lệ sửa đổi, bổ sung hay không là chưa hợp lý vì quá dài để quyết định một việc không phức tạp và đã có đủ hồ sơ.
Việc quy định thời hạn quá dài như vậy có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa. Đề nghị rút xuống còn 15 ngày.
5. Về thủ tục thông báo niêm yết hàng hóa thông thường (Điều 65)
Việc quy định thủ tục Bộ Công Thương có “văn bản phản hồi” đối với thông báo niêm yết hàng hóa thông thường trong thời hạn 30 ngày tại khoản 3 Điều 65 dự thảo Nghị định là bất hợp lý, vì về nguyên tắc, thông báo là để cho chủ thể nhận thông báo biết thông tin, phục vụ cho việc tổng hợp, theo dõi và thanh tra, kiểm tra sau này của chủ thể này. Thông báo không phải là một thủ tục xin cấp một giấy tờ hay để được phép, phê chuẩn, phê duyệt thực hiện một công viêc nào đó.
Khoản Điều 65 Dự thảo đặt ra thủ tục gửi thông báo đến Bộ Công Thương với yêu cầu về hồ sơ gồm nhiều tài liệu phức tạp kèm theo (khoản 2 Điều 65 của Dự thảo), tính chất của thủ tục này không khác gì một thủ tục hành chính nhưng chủ ý để dưới hình thức “văn bản phản hồi”. Thời hạn phản hồi trong “30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo đầy đủ và hợp lệ” là quá dài đối với việc niêm yết hàng hóa thông thường.
Điều này là trái với tinh thần của Hiến pháp về trách nhiệm của Nhà nước trong việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh.
Do vậy, đề nghị khoản 1 Điều 65 chỉ quy định trách nhiệm thông báo và nội dung thông báo của Sở Giao dịch hàng hóa cho Bộ Công Thương và Sở được tiến hành các giao dịch luôn mà không cần chờ phản hồi trong thời hạn 30 ngày từ Bộ Công Thương.
6. Về thủ tục đăng ký niêm yết hàng hóa kinh doanh có điều kiện (Điều 66):
Việc quy định trình tự thủ tục đăng ký niêm yết hàng hóa kinh doanh có điều kiện với thời hạn 30 ngày là phù hợp vì không phải mặt hàng nào cũng thuộc quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, việc đăng ký niêm yết hàng hóa kinh doanh có điều kiện là quan hệ giữa doanh nghiệp đăng ký niêm yết và cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc đăng ký đó; việc xem xét để quyết định chấp thuận hay không là quy trình thưc hiện công việc nội bộ của Bộ Công Thương.
Do vậy, việc dự thảo Nghị định quy định tại khoản 4, 5 và 6 Điều 66 về việc thành lập Hội đồng thẩm tra hồ sơ niêm yết với thời hạn thẩm tra quá dài và yêu cầu Sở Giao dịch hàng hóa cung cấp tài liệu, thông tin cho Hội đồng này là không hợp lý, trái với chủ trương về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và cải cách thủ tục hành chính của Đảng và Nhà nước. Nghị định số 158/2006/NĐ-CP không có và không quy định về Hội đồng này.
Với các lý do nêu trên, đề nghị bỏ các khoản 2, 3, 4, và chỉnh sửa lại khoản 5 Điều 66 theo hướng cụ thể hơn như sau: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của Sở Giao dịch hàng hóa về việc niêm yết hàng hóa giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa, Bộ Công Thương xem xét, quyết định chấp thuận, chấp thuận có điều kiện hoặc không chấp thuận việc niêm yết hàng hóa kinh doanh có điều kiện”.
– Về hồ sơ niêm yết (đối với cả Điều 65 và Điều 66): Ngoài Văn bản thông báo về việc niêm yết danh mục hàng hóa mới trên Sở Giao dịch hàng hóa và Tài liệu đặc tả hợp đồng của từng loại hàng hóa dự kiến niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa, Điều 65 và Điều 66 dự thảo Nghị định còn yêu cầu phải có “Báo cáo đánh giá tác động trên thị trường của hàng hoá dự kiến niêm yết: đảm bảo cung cầu hàng hoá trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nông sản, biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá và tác động thúc đẩy cạnh tranh”.
Đây là quy định mới so với Nghị định số 158/2006/NĐ-CP. Việc dự thảo Nghị định bổ sung thành phần hồ sơ này so với Nghị định số 158/2006/NĐ-CP là không hợp lý.
Lý do: việc đánh giá tác động trên thị trường của hàng hoá dự kiến niêm yết: bảo đảm cung cầu hàng hoá trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nông sản, biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá và tác động thúc đẩy cạnh tranh là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không thể đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin để thực hiện việc đánh giá này. Do vậy, đề nghị bỏ tài liệu này trong hồ sơ thông báo, đăng ký niêm yết để phù hợp với quy định pháp luật về TTHC hiện hành và bảo đảm tính khả thi của quy định pháp luật./.