Thị trường giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế của các quốc gia nói riêng.
Giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa cho phép các đối tượng tham gia thị trường chủ động sử dụng các công cụ để bảo hiểm giá trước các biến động khó lường, mặt khác tạo ra cơ chế tham chiếu minh bạch, hiện đại và toàn diện cho việc giao dịch các hàng hóa chính yếu, bảo đảm tính ổn định và phát triển bền vững của kinh tế vĩ mô…
Minh bạch giá cả, điều tiết cung cầu
Hàng hóa thiết yếu có quy mô giao dịch rất lớn và sự biến động của nhóm hàng hóa này có tác động sâu rộng đến các chủ thể kinh tế, các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh các yếu tố tác động cung cầu thông thường hoặc yếu tố mùa vụ có thể dự đoán được thì vẫn tồn tại các yếu tố bất thường khó dự đoán như thời tiết, thiên tai, hoặc biến động địa chính trị, có thể gây ra những xáo trộn và thay đổi lớn về cung cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Do đó, thách thức là rất lớn đối với việc quản lý hiệu quả các nhóm hàng nguyên liệu đầu vào quan trọng hiện đang tham gia vào tất cả các chuỗi cung ứng toàn cầu. Rõ ràng, cần phải có giải pháp đồng bộ và có tính chiến lược, và câu trả lời cho câu hỏi này chính là lịch sử tồn tại lâu đời và phát triển mạnh mẽ của giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Đơn cử như thị trường năng lượng, với vị trí là thị trường giao dịch lớn nhất thế giới, giá dầu thô là một biến số quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Các biến động giá dầu thô, do những yếu tố như tình hình chính trị tại các quốc gia sản xuất dầu chính hoặc nhu cầu tăng lên từ các nước công nghiệp hóa, có thể tạo ra tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Khi giá dầu thô tăng, giá các sản phẩm xăng dầu thành phẩm và các chế phẩm khác cũng tăng, đương nhiên chi phí vận chuyển và sản xuất tăng theo, dẫn đến lạm phát trong các mặt hàng tiêu dùng, và ngược lại.
Tuy nhiên, hiện nay giá các mặt hàng dầu thô thực tế được phản ánh trực tuyến theo thời gian thực trên các hệ thống công nghệ thông tin có sử dụng nguồn dữ liệu tập trung từ các Sở Giao dịch hàng hóa. Nhờ đó, các chủ thể kinh tế hoàn toàn có thể chủ động phương án kinh doanh, tìm kiếm các cơ hội nguồn cung thay thế, dự trữ chiến lược hoặc bảo hiểm giá mà cần rất ít sự hỗ trợ của Chính phủ.
Với ngành nông nghiệp tạo ra các hàng hóa an ninh lương thực, chiến lược, thì việc điều tiết cung cầu qua thị trường giao dịch hàng hóa đặc biệt quan trọng. Sự biến động về sản lượng nông sản, do các yếu tố như biến đổi khí hậu, sâu bệnh, hay thay đổi trong chu kỳ mùa vụ, có thể tạo ra sự thiếu hụt hoặc dư thừa tạm thời trên thị trường.
Cụ thể, trong những năm thời tiết thuận lợi, sản lượng ngũ cốc có thể tăng mạnh, khiến giá giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia nhập khẩu lương thực. Tuy nhiên, trong các năm thời tiết khắc nghiệt, việc thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn đến giá lương thực leo thang, gây ra lạm phát và khủng hoảng lương thực ở một số quốc gia. Thị trường giao dịch hàng hóa cho phép các quốc gia và doanh nghiệp dự đoán trước được các tình huống này thông qua các chỉ số giá và điều chỉnh chính sách kịp thời.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết “Việc hình thành giá cả minh bạch trên thị trường giao dịch hàng hóa giúp các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có thông tin rõ ràng để đưa ra các quyết định kinh doanh và chính sách phù hợp. Giá hàng hóa được niêm yết trên thị trường là giá tham chiếu đối với các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng vật chất mà các doanh nghiệp trong nước áp dụng. Bất kỳ biến động nào của giá trên thị trường giao dịch hàng hóa, cũng ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước”.
Ngoài ra, ở một số nước, việc giao dịch các mặt hàng xuất nhập khẩu hoặc có giá trị lớn đều bắt buộc phải thực hiện qua Sở Giao dịch hàng hóa, một mặt để đảm bảo tối ưu tiêu chuẩn chất lượng quốc gia cho mỗi sản phẩm, mặt khác có nguồn dữ liệu chất lượng và tin cậy của hàng hóa đó, giúp Chính phủ và các cơ quan bộ ban ngành có thể đưa ra những giải pháp chính xác và giảm trừ sự lũng đoạn, thao túng giá hoặc gian lận cùng các vấn đề tiêu cực khác.
Quản lý rủi ro, bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào
Bên cạnh việc điều tiết cung cầu và minh bạch giá cả, thị trường giao dịch hàng hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế. Thị trường giao dịch hàng hóa là thị trường rộng lớn có sự tham gia của rất nhiều nước trên thế giới do đó sự biến thiên của giá là vô cùng, đặc biệt trong những lúc xảy ra xung đột chính trị hoặc thảm họa thiên nhiên.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu các loại hàng hóa nguyên liệu như gạo, cà phê, cao su, hạt điều… Tuy nhiên, giá của những hàng hóa này thường chịu ảnh hưởng lớn từ biến động giá trên thị trường quốc tế. Bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh mà thị trường giao dịch hàng hóa cung cấp như hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, quyền chọn,… các doanh nghiệp có thể chủ động các phương án bảo hiểm giá hiệu quả, từ đó ổn định kế hoạch sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thị trường giao dịch hàng hóa thực tế được coi là một trong những hoạch định chiến lược quan trọng của các quốc gia. Thông qua việc giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa, năng lực kiểm soát và thực thi pháp luật của Chính phủ với các đối tượng mua bán hàng hóa có hiệu quả rõ rệt, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và an toàn. Bằng cách tạo điều kiện tối ưu cho các đối tượng tham gia, với tính thanh khoản cao, thị trường thu hút mọi nhu cầu bảo hiểm giá của doanh nghiệp, bất kể quy mô nào đi chăng nữa.
Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn (hay còn gọi là hợp đồng futures) là thỏa thuận được chuẩn hóa giữa các bên, cho phép người mua và người bán cố định giá cả của một loại hàng hóa tại một thời điểm trong tương lai. Khi đó, lãi lỗ trên thị trường giao dịch vật chất sẽ được bù đắp bởi lãi lỗ trên thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh, tổng hòa lợi ích đem lại là bảo hiểm giá thành công, dù giá có biến động ra sao cũng không bị ảnh hưởng. Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn là loại hợp đồng có tính thanh khoản cao, được giao dịch nhiều nhất trên thế giới và sử dụng rộng rãi với đa số các loại mặt hàng như ngô, lúa mì, dầu thô, đồng, bạc, bạch kim, đường, bông, cà phê…
Năm 2022, đã có thời điểm giá hợp đồng dầu thô Brent trên Sở Giao dịch liên lục địa (ICE) tăng lên sát mức 140 USD/thùng do lo ngại về nguồn cung sau các bất ổn về địa chính trị. Trước đó vào tháng 12/2021, giá dầu chỉ ở mức 65 USD/thùng. Đứng trước sự biến động khó lường, đa số các tập đoàn kinh doanh xăng dầu lớn trên thế giới đều thực hiện nghiệp vụ “bảo hiểm giá”, với việc mua các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn ở vùng giá 65 – 70 USD/thùng. Có nghĩa là dù giá dầu có tăng đến 100 hay thậm chí 150 USD/thùng thì các doanh nghiệp này vẫn được hưởng lợi từ việc đã phòng vệ ở mức giá 65 – 70 USD/thùng.
Bên cạnh đó, hợp đồng quyền chọn (hay còn gọi là hợp đồng options) với khả năng kiểm soát mức rủi ro tối đa của doanh nghiệp, nhưng không giới hạn lợi nhuận cũng là một lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp trong việc bảo hiểm giá.
Cụ thể, với các quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán, người mua ở đây là các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một chi phí cố định để mua quyền (không có nghĩa vụ) thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng hàng hóa nhất định trong một khoảng thời gian định sẵn. Tùy vào diễn biến giá có lợi hay bất lợi sau đó, doanh nghiệp sẽ quyết định có thực hiện quyền trong hợp đồng hay không. Khi đó, mức rủi ro tối đa sẽ là phí mua quyền, trong khi lợi nhuận sẽ không bị giới hạn.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết “Xu hướng giá hàng hóa thế giới biến động không ngừng, do đó bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Chúng ta cần học hỏi những công cụ mà thế giới đã áp dụng thành công hàng chục năm qua. Doanh nghiệp nào bắt kịp xu hướng của thế giới càng nhanh, sẽ càng tạo ra sự khác biệt và bứt phá mạnh mẽ”.
Khi các doanh nghiệp có khả năng phòng ngừa rủi ro giá cả, điều này không chỉ bảo vệ lợi nhuận của họ mà còn giảm thiểu những cú sốc tài chính cho nền kinh tế nói chung. Sự ổn định này là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thiên tai, thay đổi chính trị, hay khủng hoảng kinh tế.